MỖI THÀNH VIÊN TRONG GIA ĐÌNH HÃY LÀ CỘNG TÁC VIÊN DÂN SỐ
Thứ hai - 30/03/2020 21:151.0870
Ngày trước ở quê tôi, khái niệm về kế hoạch hóa gia đình còn rất mơ hồ, rất xa lạ với bà con, người ta vẫn luôn bảo của không bằng con thì tại sao lại không đẻ thật nhiều để sau này về già sẽ có nhiều con cháu phụng dưỡng.
Ngày trước ở quê tôi, khái niệm về kế hoạch hóa gia đình còn rất mơ hồ, rất xa lạ với bà con, người ta vẫn luôn bảo của không bằng con thì tại sao lại không đẻ thật nhiều để sau này về già sẽ có nhiều con cháu phụng dưỡng.
Khi ấy ở xã tôi, gia đình có hai con chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bà nội bảo với ba mẹ tôi rằng: “Tụi bây đẻ hai đứa là ít quá, hãy tranh thủ đẻ thêm đứa nữa đi, tao còn khỏe tao nuôi giữ cho”. Thằng em tôi nghe vậy hưởng ứng liền: “Đúng đó mẹ, đứa bạn nào của con cũng có 1 hoặc 2 đứa em, thích lắm mẹ ạ! Mẹ sinh cho con thêm thằng em nữa mẹ nhé!”. Tôi thì nhăn nhó không đồng ý, tôi bảo 2 chị em mình là đủ rồi sinh thêm em nữa để làm gì. Thấy thái độ của hai chị em ba tôi liền nói: Thôi! Hai chị em ăn cơm đi không tranh cãi nữa, hai năm sau nữa ba mẹ mới sinh thêm em bé. Nghe ba nói vậy, thằng em tôi hoan hô, tôi thì òa khóc và nói trong nước mắt: ba mẹ mà sinh thêm em bé nữa con sẽ về ở với ngoại luôn, rồi sau này lớn lên con cũng không thèm về nhà nữa.
Từ ngày nghe ba mẹ có ý định sinh thêm em bé, tôi không thích lại gần ba mẹ nữa, mỗi lần ba mẹ ôm tôi vào lòng tôi đều đẩy hoặc tìm cách né tránh sự yêu thương của ba mẹ, tôi thường xuyên đòi sang nhà ngoại ngủ. Thấy thái độ kiên quyết của con gái, ba mẹ tôi đành phải hứa với tôi sẽ không sinh em bé nữa, chỉ có hai chị em của tôi thôi.Thằng em tôi buồn thiu khi nghe ba mẹ nói vậy, nó bảo sao ba mẹ thương chị hai hơn. Ba mẹ tôi giải thích có hai đứa con ba mẹ sẽ đỡ vất vả hơn trong việc lo cho các con ăn học, có quà bánh gì thì hai chị em sẽ được nhiều hơn so với nhà đông con, ví dụ như hôm qua, mẹ làm thịt con gà có hai chị em thì mỗi đứa một cái đùi chứ nếu có thêm em nữa thì các con phải nhịn cho em ăn đúng không, thế là em tôi không còn so bì hay thắc mắc nữa.
Rồi một năm sau ba tôi được mời làm cộng tác viên dân số, ba đã đi vận động bà con trong thôn sinh đẻ có kế hoạch, nhiều cô chú trong xóm đã noi gương ba mẹ tôi không sinh thêm con thứ 3+ nữa. Hơn suốt 10 năm làm công tác dân số, có nhiều năm ba tôi đạt thành tích cộng tác viên xuất sắc.
Ngày đó tôi là đứa học sinh duy nhất trong lớp không được xếp vào danh sách giảm học phí vì không thuộc diện gia đình đông con, nhưng tôi tự hào vì mình giữ được kỷ lục này suốt những năm học trường làng trường xã. Lên cấp III, đi học trường huyện thì có thêm vài đứa nữa gia đình cũng chỉ có hai chị em như tôi.
Thời gian dần trôi, thật tình cờ khi tôi lại trở thành cán bộ chuyên trách dân số. Mỗi lần về thăm quê, bà nội tôi thường hay nhắc lại chuyện ngày xưa, bà bảo bé Phước nhà mình có duyên với ngành dân số khi mới 11 tuổi đấy. Rồi bà nói thêm với mấy đứa em con chú con cô của tôi phải biết học chị hai Phước phản đối ba mẹ đừng sinh nhiều con quá rồi khổ rồi nghèo, anh chị em tụi bây không có điều kiện đi học cho đến nơi đến chốn đó. Tôi thấy vui trong lòng vì bà nội tôi đã không còn quan niệm phải đẻ cho thật nhiều con cháu nữa, bà đã khuyên các cô các chú của tôi phải biết sinh đẻ có kế hoạch để cho gia đình bớt khổ, bà còn khuyến khích các em họ tôi phản đối bố mẹ sinh nhiều con. Tôi mong ước sao tất cả các thành viên trong mọi gia đình đều có thể là cộng tác viên dân số. Tôi nghĩ nếu nhà nào cũng có sẵn những “cộng tác viên” nhiệt tình xuất sắc như thế này thì công tác dân số sẽ ngày càng phát triển hơn./. Võ Thị Phước CBCT phường Tân Thạnh